Vàng rất có giá trị nhưng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh tế

LangTu

<br><font color=blue><b>"Thiên Ngoại Hữu Thiên"</f
Tác giả: Ly Lam (DNSGCT), Tranh: Hoàng Tường

" Tôi cảm thấy Nhà nước dùng biện pháp hành chính can thiệp và nâng đỡ nhiều quá, nên buông bớt ra, để thị trường tự giải quyết vấn đề của mình. Cũng như để ngăn lũ, chúng ta có thể đắp đê, nhưng cũng có thể sống chung với nó. Ở đây, dường như chúng ta đắp đê hơi nhiều trong cách điều hành kinh tế" - ông Trần Bảo Toàn.
Cuối năm thường là thời điểm nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá. Năm nay, cơn bão giá còn đến sớm hơn, ngoài việc các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm tăng thì USD và đặc biệt là giá vàng cũng tăng đột biến. Trong kinh doanh, việc lãi suất huy động và cho vay tăng khiến các doanh nghiệp gặp khó.
Làm sao để có cái nhìn cận cảnh kinh tế đất nước và đưa ra một số gợi ý cho các nhà hoạch định là điều mà cuộc tọa đàm tháng 11 của Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần mong muốn.
Có năm vị khách mời: ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Eximbank; PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia; TS. Trần Bảo Toàn, Giảng viên Trường Kinh tế Luật thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, thành viên HĐQT Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cùng hai chuyên gia kinh tế của báo, ông Huỳnh Bửu Sơn và ông Trần Sĩ Chương.
Vàng rất có giá trị nhưng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh tế
Những ngày qua, giá vàng cao ngất ngưởng, mà người mua vàng lại nhiều hơn kẻ bán ra, làm cho cầu về kim loại này luôn ở mức cao. Điều này cũng cho thấy là có một lượng vàng dự trữ lớn trong dân chúng. Theo ông Trần Bảo Toàn, việc cần quan tâm là làm sao huy động được số vàng đó để tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế...
Nhân nói chuyện vàng, ông Lê Hùng Dũng cho rằng chúng ta không nên tính vàng vào kim ngạch xuất nhập khẩu, bởi đó là một dạng tiền tệ đặc biệt, có tính bảo toàn giá trị, nhập vàng về thì xuất tiền ra nhưng khi xuất vàng lại thu được ngoại tệ.



"Chúng ta cần định nghĩa vàng hàng hóa và vàng ngoại hối - ông Huỳnh Bửu Sơn lý giải - vàng hàng hóa (nữ trang) thì được xem như các loại hàng hóa xuất nhập khẩu khác, còn vàng ngoại hối sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quản lý và dự trữ như ngoại hối và việc xuất nhập khẩu chỉ được thực hiện bởi NHNN hoặc những ngân hàng thương mại được NHNN ủy nhiệm. Nếu có một định nghĩa vàng rõ ràng và được luật hóa, mọi thứ sẽ bớt phức tạp hơn".
Đúng là nếu xem chuyện quản lý vàng và giá vàng lên xuống như một điều bình thường, thì chúng ta đã không phải "chạy" theo nó. Chẳng hạn, khi người dân đổ xô mua vàng, tạo cơn sốt vàng, thì những giải pháp mang tính tình thế mới được đưa ra, là cấp quota nhập vàng và giảm thuế nhập khẩu xuống 0%.
Ông Dũng lưu ý rằng khi giá vàng thế giới tăng cao, cầu vàng trong nước sẽ lớn, nếu Nhà nước cấp quota nhập vàng nhưng không cung cấp đủ USD, thì người ta phải gom USD ở thị trường tự do, khiến USD tăng giá.
Trong một thế giới phẳng, mặt hàng nào cũng phải chịu ảnh hưởng giá từ thị trường thế giới và vàng không là ngoại lệ.
Ông Toàn cho biết: "Trong một báo cáo mới nhất của Hiệp hội Vàng quốc tế, người ta chứng minh hệ số tỷ lệ thuận hiện hữu giữa nợ công của Mỹ và giá vàng tính bằng USD, năm nay nợ công của nước Mỹ là 13,8 ngàn tỉ USD, giá vàng ở mức 1.350 USD/ounce, tương đương khoảng 35 triệu đồng/lượng.
Ông Huỳnh Bửu Sơn: "Vàng không có quyền năng ghê gớm".
Năm 2011, số nợ của Mỹ là 15,3 ngàn tỉ USD, giá vàng tương ứng sẽ khoảng 1.500 USD/ounce, năm 2012 Mỹ nợ khoảng 16,5 ngàn tỉ USD, giá vàng sẽ khoảng 1.663 USD/ounce. Theo dự báo này, giá vàng trong tương lai sẽ còn tăng, nên điều Nhà nước cần làm là chuẩn bị tâm lý để người dân không bị giá vàng tăng tác động".
Đến đây, ông Dũng bổ sung, rằng theo rổ tiền tệ - vàng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thì số vàng nước này dự trữ là 1.300 tấn, chiếm 1,7% dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc (khoảng 2.600 tỉ USD). Đến 2015, giả sử mức dự trữ này là 5.000 tỉ USD và nếu họ duy trì tỷ lệ dự trữ vàng là 1,7% thì sẽ mua thêm một lượng vàng trị giá khoảng 40,8 tỉ USD, tức sẽ khiến cầu về vàng có thể tăng vọt. Đó là chưa nói đến có thể họ sẽ tăng tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối của họ do đồng USD ngày càng mất giá.
Những chuyện liên quan đến vàng, USD tăng giá... hay bất cứ chuyện gì xảy ra ở hiện tại, theo ông Trần Sĩ Chương, cũng đều là hệ quả của một số tồn tại trong quá khứ. Khi nhiều người kéo nhau đi mua vàng, không dùng tiền để đầu tư hay chi xài mà mua những miếng kim loại về cất, thì hẳn nền kinh tế đã có vấn đề.
Ông Huỳnh Bửu Sơn đồng tình và nói rõ hơn: "Ông cha ta có câu "mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời", ẩn chứa trong đó sự khôn ngoan của bao đời. Nó có thể không đúng trong ngắn hạn, nhưng dài hạn sẽ luôn đúng. Vàng không hề có quyền năng gì ghê gớm và người ta chạy theo vàng vì tâm lý đầu cơ là chủ yếu, đặc biệt khi nền kinh tế bất ổn và không có cơ hội đầu tư nào tốt hơn.
Đầu cơ vàng có thể là một hành động bảo tồn giá trị tốt nhưng không phát sinh nguồn lợi nhuận có thể sử dụng được khi còn tiếp tục giữ vàng. Giả sử một người mua 1.000 lượng vàng với giá 20 triệu đồng/lượng, nay giá lên 35 triệu đồng/lượng, người đó cho rằng mình đã lãi 15 tỉ đồng nhưng chỉ trong trường hợp bán được hết số vàng ra, không giữ nữa. Còn nếu tiếp tục giữ vàng thì số 1.000 lượng đó vẫn là 1.000 lượng. Vàng vẫn nằm nguyên đó cho đến thời điểm quyết định bán ra, và mức lãi có thể thay đổi vì giá vàng lúc bán ra đã khác.
Dự trữ vàng (gold hoarding) dù cũng là một hành vi tiết kiệm cá nhân, nhưng không mang lợi ích gì cho nền kinh tế".
Với những phân tích kinh tế thấu đáo như thế, có lẽ ai cũng thấy rằng dù giá vàng có biến động như thế nào, thì ngoài yếu tố tác động về tâm lý ra, sẽ ít ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế.
Lãi suất cao ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân
Tuy nhiên, lãi suất tăng cao lại là chuyện khác, có tác động trực tiếp đến đời sống của doanh nghiệp cũng như người dân. Các khách mời đều cho rằng, mức lãi suất huy động 12%/năm trở lên là quá cao. Với lãi suất huy động cao như thế, mức cho vay sẽ là 17-18%/năm, rủi ro dành cho doanh nghiệp là quá lớn.
Ông Lê Hùng Dũng chia sẻ: "Với lãi suất hiện nay, hằng ngày chúng tôi phải đối mặt với việc khách hàng đến và nói: "Ông ơi, bên ngân hàng kia đồng ý trả tôi lãi suất 14%/năm, ý các ông giải quyết thế nào?".
Ông Lê Hùng Dũng: "Đã có những ngân hàng phải vay với lãi suất 16-17%/năm".​
Có thực tế là một số ngân hàng nhỏ đang thiếu thanh khoản trầm trọng, nên phải huy động vốn bằng mọi giá. Nếu ví lãi suất huy động cao như một liều thuốc có chất độc, rõ ràng họ đang uống loại thuốc đó dù biết rằng rất nguy hại (bởi nếu không uống sẽ chết ngay). Đã có ngân hàng phải vay với mức lãi suất 16-17%/năm và vì những ngân hàng này mà người ta gây áp lực cho các ngân hàng khác phải tăng mức lãi suất huy động".
Bên cạnh việc các ngân hàng nhỏ phải chạy đua tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng trước 31/12 nhằm tránh bị sáp nhập hoặc giải thể, thì việc sử dụng đồng vốn để cho vay không hợp lý cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng thiếu tính thanh khoản.
Ông Trần Bảo Toàn nói: "Nhìn vào bản cân đối tài sản của các ngân hàng quốc tế, bên cạnh 8-10% vốn tự có, nguồn vốn dài hạn của họ là 50-60% và họ dùng nguồn này cho vay ngắn, trung và dài hạn. Còn ở ta, ngoại trừ 10% là vốn tự có, đa phần vốn của ngân hàng là ngắn hạn, huy động từ nguồn tiết kiệm trong dân và một tỷ lệ lớn (40-50%) là vốn liên ngân hàng, nên khi một ngân hàng thiếu thanh khoản sẽ ảnh hưởng ngay đến các ngân hàng khác".
Có một thực tế được ông Trần Hoàng Ngân báo động là khi lãi suất cho vay lên tới 17-18%/năm như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh buộc phải "bóp" người lao động để bù vào chi phí vốn. Nghĩa là lãi suất tăng sẽ làm người có tiền giàu thêm và người ít tiền nghèo đi.
Ông Ngân nói: "Theo tôi, mức lãi suất huy động 12%/năm, dù là với mục tiêu kiểm soát tỷ giá và ngăn chặn nguy cơ lạm phát, thì cũng chỉ phù hợp ở một giai đoạn ngắn. NHNN phải có giải pháp để hỗ trợ chứ không phó mặc cho Hiệp hội các ngân hàng tự giải quyết".
Ông Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, lãi suất thực chất là giá của đồng vốn, giá này đang cao vì những người cần mua (ngân hàng) sẵn sàng trả giá cao.
Ông khẳng định: "NHNN là người tạo ra tiền, nhìn thấy việc các ngân hàng thương mại mua tiền với giá cao mà chỉ nói "hãy mua giá thấp thôi", rồi giao cho hiệp hội thì không giải quyết được vấn đề. Chỉ cần NHNN tung tiền ra, ví dụ cho bất cứ ngân hàng nào cần tiền vay với mức 8%/năm, thử hỏi còn có ngân hàng nào huy động vốn vay cao nữa không?".
Hẳn phải có lý do khiến NHNN quyết định giữ mức lãi suất cơ bản là 9% như hiện nay.
Theo ông Lê Hùng Dũng, hiện nay Chính phủ phải tiến hành hai nhiệm vụ song song nhưng đối lập nhau đó là kiềm chế lạm phát và đầu tư để tăng trưởng. Chúng ta đang bị thâm hụt kép, nhập siêu khoảng 12 tỉ USD, mà 90% trong số này từ Trung Quốc, đồng thời với thâm hụt ngân sách. Vì sợ lạm phát nên chúng ta không bơm tiền ra. Nếu muốn hạ lãi suất huy động, chỉ cần bơm tiền qua hệ thống ngân hàng thương mại, nhưng điều đó có thể khiến lạm phát tăng, trong khi chúng ta đã cam kết không phá giá đồng tiền tới ít ra là sau Tết Âm lịch.
Ông Trần Bảo Toàn: "Dường như chúng ta đắp đê hơi nhiều trong điều hành kinh tế"​
Có lẽ, làm sao dung hòa những điều này, để sớm đưa mặt bằng lãi suất về mức an toàn, hợp lý sẽ là đích đến trong cách điều hành của NHNN trong thời gian tới.
Tỷ giá, lạm phát và những vấn đề về điều hành kinh tế
Những yếu tố lãi suất, tỷ giá, lạm phát... đều liên quan chặt chẽ với nhau trong tổng thể nền kinh tế. Hiện nước ta có ba mức tỷ giá: niêm yết là 19.500 đồng (1 USD), giao dịch ở các ngân hàng là mức này cộng với một khoản phí, đội lên 20.400-20.500 đồng, ở thị trường tự do còn cao hơn chừng 500 đồng nữa.
Theo ông Trần Hoàng Ngân, vô hình chung, chúng ta đang duy trì chính sách nhiều tỷ giá.
Ông Huỳnh Bửu Sơn tỏ ra tâm tư: "Thực ra, tỷ giá phản ánh sức khỏe và năng lực cạnh tranh của một nền kinh tế và là một mục tiêu trong chính sách tiền tệ của một quốc gia nhằm phát triển xuất khẩu hoặc hạn chế nhập khẩu. Trong một thời gian dài, đồng bạc Việt Nam được nhiều chuyên gia cho rằng được định ở mức cao, và đó là một trong nhiều nguyên nhân đưa đến nhập siêu kéo dài và một tình trạng đôla hóa kinh niên.
Có thể nói hiện tượng đôla hóa (người dân giữ đồng USD như một đồng tiền thứ hai) tồn tại trong nền kinh tế một phần là do chúng ta "từ chối" mua vào ngoại tệ, bằng cách quy định một tỷ giá luôn luôn thấp hơn giá thực tế của thị trường, khiến cho không ai muốn bán USD cho ngân hàng một cách tự nguyện. Một tỷ giá đồng bạc cao chỉ có lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu, họ được mua USD với giá rẻ để nhập khẩu mọi thứ, kể cả những thứ cạnh tranh trực tiếp với hàng do doanh nghiệp Việt sản xuất ngay trên thị trường nhà".
Ông Ngân có vẻ nhẹ nhàng hơn, khi cho rằng các danh mục hàng thiết yếu nhập khẩu đã được Bộ Công Thương niêm yết cụ thể, nên khó có cơ hội cho các doanh nghiệp làm trái nữa, dù vậy, chúng ta không thể chấp nhận một cơ chế thị trường có nhiều tỷ giá.
Ông đưa ra ý tưởng: "Phải làm sao cho ba tỷ giá này xích lại gần nhau. Theo những gì tôi tham khảo từ các doanh nghiệp có USD, thì với tỷ giá khoảng 20.000 đồng/USD, họ sẵn sàng bán cho ngân hàng. Nếu chúng ta mua USD từ doanh nghiệp với giá đó rồi bán ra can thiệp thị trường, có thể làm giảm giá USD ở thị trường tự do".
Như những biến số trong một phương trình kinh tế, bài toán lãi suất, tỷ giá... khó mà tách rời với yếu tố lạm phát. Đặc biệt, yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến mọi thành phần dân cư, nhất là người nghèo. Không những vậy, lạm phát tăng cao còn dễ gây tâm lý hoang mang trong dân chúng. Bởi thế Chính phủ đã quyết tâm giữ lạm phát năm nay ở mức một con số.
Ông Trần Hoàng Ngân lo ngại rằng chúng ta đang can thiệp để cố giữ lạm phát dưới 10%, chứ đó không phải là lạm phát thật. Xăng dầu đang được bù lỗ 1.200 đồng/lít, ngành điện công bố lỗ 6.500 tỉ đồng trong vòng 7-8 tháng, than cũng đang phải bù lỗ. Ba mặt hàng chủ lực để giữ lạm phát dưới 10% đều như vậy, liệu có nên bù mãi không?
Ông Trần Sĩ Chương trả lời ngay: "Tổng mức lạm phát sẽ không thay đổi dù anh có can thiệp hay không. Bù giá chỉ nhằm giúp dân phải trả giá ít hơn, phần thiệt hại tương ứng sẽ do Nhà nước gánh. Nhưng Nhà nước cũng lấy tiền từ dân, có nghĩa là chúng ta đang phân bổ lại giá phải trả cho lạm phát thật. Tác dụng của hành động này là tạo ảnh hưởng tích cực đến tâm lý người dân, một yếu tố rất quan trọng trong việc ngăn ngừa lạm phát. Cho nên dù giá đó là không thật, nhưng nó có lợi cho dân nghèo và tác động tốt tới tâm lý, tôi thấy chúng ta làm vậy là đúng".
Ông Trần Hoàng Ngân: "Có thể nói cảm ơn vụ Vinashin, vì giúp chúng ta sáng tỏ một số vấn đề".​
Điều ông Chương phân tích rất hợp lý, tuy nhiên ông Huỳnh Bửu Sơn lưu ý rằng phải xem có thực là doanh nghiệp (được bù lỗ) bán với giá thấp hơn thực tế cho người dân hưởng lợi, hay phải bù lỗ là do chi phí quản lý quá cao, hoạt động kém hiệu quả, tham nhũng... Bởi nếu không làm rõ, sẽ có nhiều doanh nghiệp nhà nước dùng "lạm phát" để che giấu những sự bất cập.
Chỉ số ICOR của nước ta lên đến trên 8 (bỏ ra 8 đồng vốn mới làm ra được 1 đồng) là rất cao. Nếu giá tăng do giá thế giới tăng thì ai cũng phải chịu. Chứ gạo lên giá thì phải để nông dân hưởng lợi chứ, không lẽ bắt nông dân bán với giá rẻ?
Thường tăng trưởng đi đôi với lạm phát, nhất là với những nền kinh tế như chúng ta. Khi chưa đạt được sự toàn dụng nhân lực thì bất cứ đồng tiền nào đưa ra cũng tốt cả, bởi vậy chúng ta cũng đừng quá quan tâm đến vấn đề lạm phát.
Đón đầu cơ hội và tự mình vượt khó
Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, kinh tế chúng ta có những cái đáng lo nhưng không đáng sợ, vì nước ta có được một ưu thế lớn là hòa bình và không có bất ổn về chính trị, xã hội.
Ông Trần Hoàng Ngân đồng ý và cho rằng dù kinh tế đang có bệnh, nhưng chúng ta đã biết được nguyên nhân. Ông Ngân liệt kê, đó là các tập đoàn làm ăn kém, chi ngân sách không hiệu quả, lãng phí, cơ chế quản lý, nhập siêu... và ông dí dỏm: "Có thể nói lời cảm ơn vụ án Vinashin, vì đã giúp chúng ta sáng tỏ một số vấn đề thuộc về cơ chế, như việc dồn vốn cho các tập đoàn, hay sử dụng vốn kém hiệu quả. Chúng ta cần bình tĩnh giải quyết từng việc, đừng để người dân cảm thấy Nhà nước đang rối.
Ông Ngân cũng cho rằng biến động xảy ra không chỉ riêng ở Việt Nam, mà trong bối cảnh chung của thế giới, từ châu Âu đến Mỹ.
Một yếu tố rất quan trọng gây khó khăn cho nước ta từ năm 2007 đến nay là do Việt Nam gia nhập WTO trong tình hình kinh tế có những biến động bất thường, lạm phát cao năm 2007-2008, suy thoái kinh tế năm 2009,... vì vậy với độ mở 130-140% (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP) nước ta luôn gánh chịu những tác động xấu từ bên ngoài.
Trong một cách tiếp cận khác, ông Trần Sĩ Chương cho rằng trong khủng hoảng chung của thế giới, vẫn có những nước không bị ảnh hưởng, như Đức, Singapore, vì cơ chế của họ có khả năng thích ứng rất cao: "Nói vậy để thấy khi chúng ta không thể can thiệp để thay đổi được chuyện bên ngoài, thì phải tích cực xem lại chuyện bên trong, vì mình chủ động được.
Như anh Ngân nói, mình đã biết nguyên nhân "bệnh", nhưng đó có phải là nguyên nhân gốc hay không? Khả năng xử lý của chúng ta đến mức độ nào và trong tương lai gần có làm được gì không? Nếu sức khỏe nền kinh tế tốt, chúng ta có những nghiên cứu, phân tích khả năng của nước khác để phản ứng kịp thời, sẽ có khả năng vươn lên tốt hơn; kinh tế ổn định rồi thì chắc chắn lãi suất sẽ tự hạ xuống".
Lưu ý rằng "đã có sự lặp lại của tình hình vào tháng 3/2008", ông Trần Bảo Toàn nhận định: "Khi ấy, kinh tế Việt Nam sau một thời gian tăng trưởng nóng, lạm phát tăng cao, cần theo đuổi chính sách siết chặt tiền tệ, để kiềm hãm lại. Nếu không có cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, không ít doanh nghiệp nợ quá nhiều đã phá sản rồi. Giống như khi nước trong hồ đã cạn, cá trong đó bắt đầu giãy giãy thì "đùng một cái" có gói kích thích kinh tế, Nhà nước bơm tiền vào giải cứu. Những doanh nghiệp này lại tiếp tục được sống, thậm chí còn vay thêm để phát triển, nhưng nay, sau một năm rưỡi, câu chuyện lạm phát và kiềm chế lạm phát lại xuất hiện, khiến liệu pháp điều trị còn nan giải hơn".
Duy trì mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát không phải là không thể song hành, ông Chương dẫn chứng chính Việt Nam trong thập niên 1990, vừa tăng trưởng rất cao vừa không lạm phát, vì hoạt động kinh tế tăng nhanh kịp với mức đầu tư.
Ông Trần Sĩ Chương: "Chúng ta đang phân bổ lại giá phải trả cho lạm phát thật"​
Vấn đề bây giờ chúng ta đang bị nghẹt ở một chỗ nào đó, nên phát sinh ra nhiều chuyện, vốn không phải là nguyên nhân khiến kinh tế trì trệ, mà chỉ là hệ quả của chỗ nghẹt đó. Tìm ra được chỗ nghẹt, rồi làm cho nó thông, thì mọi việc nối tiếp nhau sẽ hanh thông. Chứ chỉ lo đối phó với tỷ giá, giá vàng, lãi suất... thì không phải là giải bài toán kinh tế. Cầu trong nước còn rất lớn, doanh nghiệp chúng ta còn rất năng động, sẵn sàng cung để đáp ứng cầu đó.
Để góp sức tìm ra "chỗ nghẹt", ông Trần Bảo Toàn cho rằng hiện có nhiều doanh nghiệp lẽ ra phải phá sản, nhưng hình như không ai dám để cho phá sản. Nếu ở các nước khác thì hẳn chúng đã chết rồi, như WorldCom, Lehman Brothers... là những ví dụ.
Ông Toàn nói: "Tôi cảm thấy Nhà nước dùng biện pháp hành chính can thiệp và nâng đỡ nhiều quá, nên buông bớt ra, để thị trường tự giải quyết vấn đề của mình, ai không đủ sức thì phá sản. Cũng như để ngăn lũ, chúng ta có thể đắp đê, nhưng cũng có thể sống chung với nó, để ruộng đồng được màu mỡ phù sa hơn khi lũ rút đi. Ở đây dường như chúng ta đắp đê hơi nhiều trong cách điều hành kinh tế, chứ ít mạnh dạn sống chung với lũ".
Tương lai của bức tranh kinh tế có vẻ không được tươi sáng, tuy nhiên, ông Trần Hoàng Ngân tỏ ra lạc quan: "Thường thì ở hiền gặp lành, nên tôi có một kỳ vọng là luồng tiền 600 tỉ USD kích cầu ở Mỹ (6/2011) trong tương lai sẽ chảy về Việt Nam như hồi năm 2007, vì luồng tiền đầu tư thường chảy vào những nước có nền chính trị ổn định.
Tôi đề nghị phải có một ủy ban ứng phó với những chuyển biến của thế giới, để kịp đưa ra những đối sách, như với gói 600 tỉ USD ở Mỹ này. Ủy ban ấy sẽ lập sẵn những tình huống, bình thường thì giải quyết ra sao, nhiều quá, ít quá thế nào... Nếu không, có thể xảy ra tình trạng như tháng 10/2007, các nhà đầu tư muốn bán USD mà chúng ta lại không mua".
Nếu điều ông Ngân hy vọng xảy ra, thì kinh tế nước ta có thêm một nguồn ngoại lực mạnh để phát triển.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là nội lực. Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, một nền kinh tế sống nhờ vào năng lực cạnh tranh và sức mạnh của doanh nghiệp, nên chính sách tiền tệ phải thế nào để giúp lãi suất giảm, tỷ giá thế nào để tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp họ tin tưởng thì họ sẽ hưng phấn, lạc quan về tương lai, ăn nên làm ra, thị trường chứng khoán theo đó sẽ khá lên.
Còn nếu giải pháp chỉ chạy theo tình thế, thiếu đồng bộ, không hướng đến mục tiêu lâu dài thì dễ tạo tâm lý bi quan, mà tình trạng đổ tiền ra mua vàng, mua ngoại tệ dự trữ chứ không đầu tư vào làm ăn như vừa qua là điển hình.
Như ông Trần Sĩ Chương đã đề cập, vấn đề cơ bản của nước nào cũng bao hàm nội tại và ngoại tại. Nếu ngoại tại là không thể tác động, thì với nội tại, còn rất nhiều việc Nhà nước có thể làm được. Nếu điều hành hợp lý, lạm phát chẳng có gì đáng sợ, quan trọng là đừng để sản xuất đi xuống hay ngoại thương thâm hụt. Làm sao để kinh tế phát triển bền vững, tăng công ăn việc làm..., chứ không nên cho phép tiến hành những dự án công không hiệu quả, hay áp dụng chính sách siết chặt tiền tệ trong thời gian dài.
Thêm một điều may mắn là nền kinh tế nước ta có một sức chịu đựng rất dẻo dai. Dường như luôn có một sự đồng thuận trong xã hội, giúp mọi người cùng nhau vượt qua những thời khắc tưởng chừng rất khó khăn. Chính vì vậy, các khách mời tọa đàm đều hy vọng vào một sự biến chuyển trong tương lai, để kinh tế Việt Nam trở lại quỹ đạo "tăng trưởng cao, không lạm phát" như chúng ta từng làm được trong quá khứ.
 
Top