Bài viết của bác Vietcurrency!

pho_rex

VIP GROUP
Thread này tôi đăng tải những bài viết đã chọn lọc của bác Vietcurrency!


-Bản chất của Forex là gì ?

-Forex là một thị trường cũng như bao thị trường tài chánh khác mà thôi. Tuy nhiên, bản chất của nó không phải là đầu tư, mà là hedge. Có nghĩa là người ta sinh ra nó để nó giúp các đại công ty, các ngân hàng bảo vệ tài sản, sản phẩm của họ qua hình thức tài chính. Thị trường nào cũng có hai loại người chính, hedgers hay có thể là investors, và speculators. Hedgers là người tạo nên lực nhu cầu của thị trường. Còn speculators thì tạo nên liquidity cho thị trường. .

-Forex họat động 24/24 ,vậy tai sao mỗi ngày lại có giờ mở cửa của các thị trường.

-Giờ mở cửa các thị trường là giờ bản xứ. Còn forex market thì lúc nào cũng mở cửa. Thị trường bản xứ, chẳng hạn như thị trường Hoa Kỳ, có thể đóng. Nhưng currency market vẫn có thể trade tại một thị trường khác, ở một giá gần như là tương tự giá của thị trường vừa đóng.

-Có phải lúc đó các Big trader bắt đầu họat động ?


Không. Traders không hoạt động theo giờ. Họ họat động theo news và theo tầm quan trọng của những sự việc đang xảy ra vòng quanh thế giới đã và đang ảnh hưởng vào giá thị trường.


Các US Trader giữ vai trò như thế nào đ/v Currency market ? Giờ họat động của họ ?

Traders là một bộ phận chung của thị trường, chứ không phải đứng ngoài thị trường. Họ không có nhiệm vụ gì hết. Họ vào cuộc chơi với một ý nghĩ duy nhất. Đó là kiếm tiền, và kiếm cho thật nhiều tiền. Đơn giản vậy thôi. Tuy nhiên, với một túi tiền lớn gấp trăm ngàn lần số tiền của các chú retail, professional traders cung cấp cho thị trường một điều quan trọng nhất của tất cả market. Đó là liquidity.

-Những yếu tố nào cần có để trở thành successful trader?

Discipline ( Kỷ luật). Một đoàn quân thiện chiến không phải nhờ người lính giỏi, mà nhờ người lính kỷ luật. Trong các quân binh chủng của thế giới, ai cũng biết Nhảy Dù là thiện chiến nhất. Họ thiện chiến vì họ là binh chủng kỷ luật nhất của quân đội. Traders cũng thế. Thương trường hôm nay cũng giống chiến trường năm xưa. Ra trận mà thiểu kỷ luật bản thân. Trade lung tung. Trade theo hứng, trade vì tham. Trade vì tự cao, tự ái thì cái chết trong thương trường sẽ không xa lắm.

-Các giai đọan mà Protrader thường trải qua?

Đau thương và nhiều đau thương. Nhiều đến nổi mỗi lời nói khi chia sẽ kinh nghiệm với người khác là một bài học trong quá khứ. Nhìn vào chart, thấy formation hiện ra trước mặt, hiểu nó. Nhưng song song với cái hiểu đó là bài học đau thương của dĩ vảng. Không nhớ cũng không đươc.

-Nên phối hợp giữa TA và FA như thế nào? Cái nào giữ vai trò chủ đạo?

-TA là cho trade thuần túy. Đó là một nghệ thuật mua bán qua phương cách đo lực cung cầu thị trường. FA là một môn học chính thống, được đào tạo bởi những đại học danh tiếng, và có bằng cấp hẳn hòi.
Cái nào giữ vai trò chủ đạo? Bạn tự định nghĩa mình là gì? Trader hay investor. Nếu là traders thì chỉ nên tìm hiểu FA một mức cần thiết nào đó thôi. Biết đủ để hiểu các tin tức và phản ứng của thị trường là đủ.

-Đối với TA nên sử dụng những công cụ nào?


-Mỗi công cụ có một cách xài khác nhau. Có nhược điểm và ưu điểm khác nhau. Không thể nói cái nào hơn cái nào, tuy rằng có một số công cụ thường được người ta xài nhiều hơn những cái khác. Nhưng đó không có nghĩa là công cụ đó là tuyệt đối.

-Cách xác định Entry/Exit point?


-Muốn biết xài entry hay exit cho đúng thì phải biết coi formation. Nắm formation cho chính xác mới nói đến entry và exit. Entry và exit là một nghệ thuật tối quan trọng trong trading. Nó phân biệt giữa một người biết trade và một tay nhà nghề. Vì kỷ thuật entry/exit này sẽ làm tiền lời tăng hay giảm gần 50% nhiều hơn, nếu biết chọn đúng hai điểm trên.

-Cách đặt Stop loss/Target?


Tùy cá nhân và tùy market nữa. Không thể nói suông được. Có người thì chọn đại vài chục pips và chấp nhận thua ở điểm đó. Có người thì theo dỏi market và quyết định cut loss khi họ không thấy hy vọng nữa. Có người vừa nhảy vô, thấy không êm là chạy liền không do dự. Tôi thuộc thành phần chót. Thấy không êm là dông mất. Trade kiểu này nhiều khi cũng bực mình vì mình bị market nó rỉa hoài, nhưng theo tôi thì kiểu này nó bảo vệ vốn lâu dài. Và câu hỏi "thế nào là không êm", xin trả lời là trước khi nhảy vô thì mình phải có cái nhìn xa hơn hiện tại chút. Nếu mình daytrade mà vừa nhảy vào, sau 5, 10 phút mà thấy không ổn là chuẩn bị lui quân là vừa. Ngồi đó tiếc của Trời một hồi là buồn lắm . Ngồi càng lâu thì "nổi buồn càng dâng cao"

-Nên phối hợp giữa các Timeframe như thế nào?


-Mỗi cặp tiền nó có một bản chất riêng. Không thể xài một time frame để đo hết các cặp. Chẳng hạn đồng Euro thường rất dể đọc chart với 5-minute chart. Nhưng nếu đem cái timeframe đó qua đồng Pound thì sẽ sai signal. Lý do là đồng Pound giao động nhiều hơn đồng Euro, cho nên nó cần một longer timeframe để weed out những market noise.

-Money management :
Mỗi một position nên đặt bao nhiêu % vốn?
Để có thể kiếm sống được với Forex thì cần số vốn tối thiểu là bao nhiêu ?


-Mỗi Cái này thì tùy cá nhân. Có một position nên đặt bao nhiêu % vốn? người 5, 10%. Có người thì chơi xã láng luôn. Có người thì bỏ vào ít lúc đầu, nhưng thấy market bắt đầu chạy theo ý mình muốn thì họ “double down” luôn. Nói chung là cái này tùy theo bản tánh của người, và thị trường mình trade. Cá nhân tôi thì lúc đầu bỏ ít. Nhưng khi market đã confirm hướng đi thì tấp vào tối đa. George Soros—thần tượng của currency trader—đã từng nói một câu rất nổi tiếng. Đó là: WHEN YOU’RE RIGHT, YOU CAN’T HAVE ENOUGH. Đại ý của câu đó là khi bạn đoán đúng hướng đi rùi, bỏ vào bao nhiêu cũng vẫn chưa thấy đủ. Đây là cung cách của một trader nhà nghề. Họ biết tiến thoái nhịp nhành với thị trường. Họ không như mấy ông thầy giáo lẩm cẩm, cứng ngắc. Chỉ nhất quyết với một con số nào đó thôi. Trading rất là flexible ( tạm dịch là co giản). Khi biết mình thắng thì phải tấp vào tối đa. Cơ hội không đến lần thứ hai. Cho nên khi cờ tới tay thì phải phất. Phải “clean out” đối thủ của mình cho sạch sẽ. Để lấy đó làm vốn. Lở mai mốt mình có bị clean lại thì còn vốn mà phục thù. Đối với tôi thương trường là chiến trường. Traders phải biết tiến thoái nhip nhàng với thị trường và co giản theo nó. Đó là cái gọi là money management của tôi. Bạn hỏi 10 người khác thì sẽ có 10 câu hỏi khác nhau.

Muốn kiếm tiền sống trong forex trading thì có người nói là 50K trở lên. Theo tôi thì cái này tùy mổi người và hoàn cảnh xã hội. Ở Mỹ này thì 50K để trade và kiếm sống thì khó lắm, vì chi phí hàng tháng rất nhiều. Ở VN thì có thể được.


-Những chiến thuật mà các anh thường sử dụng (nếu thấy tiện )


-Kiên nhẫn và kiên nhẫn ngồi đợi cho đến khi market có một signal mà mình không thể bỏ được thì mới nhảy vào. Vào rùi mà thấy đúng thì tấp tối đa vào. Xong rùi thì chạy cho nhanh. Đủ no là dông. Không tiếc rẻ gì nữa cho dù nó có lên cao hơn sau này nhiều. Traders có câu: You never go broke taking profits. Tạm dịch là bạn không bao giờ sạt nghiệp khi có lời. Lời ít hay lời nhiều điều do chính mình mà thôi. Trên thị trường có hai lực mà người trader luôn tránh: FEAR & GREED. Fear là sợ. Greed là tham. Cả hai cái này đều dẫn đến cửa tử. Khi thua, người ta sẽ đâm ra sợ vô cớ. Khi thắng người ta sẽ ngạo mạn và chơi liều. Cái sai thứ nhất (fear) làm cho người ta chậm chạp khi cơ hội tới tay mà không dám chụp vì sợ thua nữa. Thành ra, không bao giờ gở lại cái mình đã thua. Còn Greed thì vì đã thắng lớn, hay thắng nhiều nên con người đâm ra tự cao. Trong lịch sử của financial trading có hàng hà sa số xác chết của những traders loại này. Thành danh cũng nhanh và chết còn nhanh hơn. Chết loại này thường là một đi không trở lại. Vĩnh viễn ra khỏi cuộc chơi. Cho nên người biết trade, loại người đã nắm hết những basic knowledge, thường luôn xem xét lại bản thân mình sau mỗi cuộc chơi. Đừng quá buồn khi thua, mà cũng đừng quá mừng khi thắng. YOU ARE AS GOOD AS YOUR LAST TRADE. Có nghĩa là cái trade sắp tới là một trò chơi mới, với một sát xuất thắng thua bằng nhau. Khoan hãy mừng vội, nếu bạn may mắn thắng trong kỳ trade vừa qua.


-Có phải chart của tất cả các cặp tiền tệ thì có tính chất giống nhau?


-Không. Chart của mỗi đồng currency tuy có giống nhau qua một tính chất là trend, vì trend là điểm khá đặc thù của currency. Nhưng không phải chart của tất cả đồng tiền đều giống nhau. Lý do là mỗi một đồng tiền đều có mức giao động riêng, gọi là volatility. Volatility của mỗi đồng tiền giống như là dấu tay của chúng ta. Mỗi người đều có một dấu tay khác nhau. Volatility của mỗi đồng tiền cũng thế. Dựa vào điểm này mà traders có thể có những cách trade cho mỗi đồng tiền mỗi cách khác nhau.
Quote
Các vấn đề về Brokers

Nên chọn Broker như thế nào cho an tòan?
Các mánh khóe mà Brokers thường sử dụng?

An toàn tùy theo định nghĩa của người chơi. Ở những nơi khác thì sao tôi không biết, nhưng ở Mỹ thì luật pháp rất chặc chẻ nên vấn đề gạt gẩm khá ít. Hơn nữa, lúc lựa broker thì nên chọn các hãng lớn, có uy tín chút chút. Tuy nhiên, nói chung thì điều quan trọng nhất khi chọn một broker là tiền của khách gởi vào phải được bảo đảm tối đa. Khi chọn broker thì cần phải hỏi họ một điều quan trọng nhất. Đó là tiền của khách và của hãng được giữ như thế nào? NÓ PHẢI ĐƯỢC NẰM TRONG HAI LOẠI ACCOUNT RỎ RỆT. GỌI LÀ SEGREGATION FUND. Có nghĩa là công ty phải có 2 accounts nằm tại clearing firms. Một account là tiền của công ty. Account kia là tiền của khách. Làm như thế lở mai sau mà công ty có sập tiệm thì tiền khách không bị các creditors của công ty làm khó dể. Xin coi trường hợp của REFCO thì rỏ.


-Market makers khác Brokers như thế nào ?


-Câu hỏi này liên quan đến cơ cấu của thị trường tài chánh nói chung, chứ không hẳn của currency market mà thôi. Currency market mới được thành lập (currency trading) vào khoảng năm 1973 khi TT Nixon bải bỏ hiệp ước Brettonwood. Cùng thời điểm đó là giai đoạn bắt đầu của OTC market tại Hoa Kỳ. Cho nên currency market xài OTC model làm phương pháp mua bán currency.
Trong phương thức điều hành một thị trường tài chánh qua hình thức đấu giá, người ta có hai models. Model thứ nhất gọi là SPECIALIST. Đây là phương thức mà thị trường NYSE đã xài gần 100 năm qua. Phương thức thứ nhì là MARKET MAKER của Nasdaq. Market making là một cách tạo nên market trong đồng tiền nào đó, chẳng hạn như đồng Euro, hay trong một stock nào. Nhiệm vụ của người market maker là KIẾM NGƯỜI MUA VÀ NGƯỜI BÁN để hai người này có thể trao đổi hàng hóa với nhau theo đúng danh từ của chữ MARKET. Họ là người tạo ra thị trường bằng cách MATCH người mua và người bán lại với nhau. Đó là định nghĩa và nhiệm vụ của họ. Họ không có trách nhiệm về giá cả thị trường. Giá cả là do người mua và bán quyết định. Nếu anh bạn là một cậu học trò, và câu hỏi này liên quan đến bài tập trong trường thì đây là câu trả lời chính xác về định nghĩa của một market maker là gì.

Ngược lại, trong thực tế khi chúng ta trade thì market maker có thể làm một trong hai điều sau đây. Họ có thể EXECUTE cái order trên hai phương diện: AGENCY & PRINCIPAL. Nếu họ execute cái order trên phương diện agency thì có nghĩa là họ chỉ match người mua và người bán lại với nhau. Họ không có thắng thua gì trong cái order đó. Có nghĩa là họ không có dự phần vào công việc trading. Lợi nhuận của họ trong cái trade này là điểm spread của giá, thường là 3 đến 4 pips. Còn nếu họ execute cái order trên phương diện của một PRINCIPAL thì cái đó có nghĩa là họ chấp nhận mua bán với khách. BUY order mà vào thì họ sẽ chấp nhận bán ra để thỏa mãn cái order đó. SELL order mà vào thì họ sẽ mua vô. Nói các khác, họ là chấp nhận take the opposite side of the trade. Không phải brokerage house (danh từ nhà nghề khi nói đến các hãng broker) nào cũng làm được như thế. Nếu hãng broker chỉ có thể execute order của khách qua hình thức AGENCY thì họ chỉ là broker theo đúng nghĩa danh từ. Còn hãng nào mà chơi luôn hai thứ. Đó gọi là BROKER & DEALER. Đây là dân thứ dữ, là đại gia của nghề brokering. Theo tôi biết thì hầu hết các broker mà chúng ta (retail clients) xài đều là broker thui. Còn các đại công ty như Citibank, Bank of America thì mới là Broker Dealer.
Điều chót nữa về market maker là trong cái tờ giấy thông báo mua bán của mỗi order, nó có một hàng số chừng 21 con. 21 con số đó tượng trưng cho ngày giờ, địa điểm, code của market maker, và vị thế của order được execute. Dĩ nhiên tất cả đều là code, chúng ta đọc vào sẽ chả hiểu gì cả. Nhưng mà nếu có chuyện gì cần đến pháp luật thì tờ giấy đó đều ghi đủ cả. Với internet hiện nay thì không còn ai nhận tờ giấy đó nữa vì gởi ra tốn tiền tem và nhiều chi phí khác, nhưng tất cả các broker đều phải có một copy lưu trữ khi cần.

Các câu trả lời được thực hiện bởi Vietcurrency
 

pho_rex

VIP GROUP
-Em muốn học thêm về phân tích căn bản của thị trường forex, anh VC có thể giới thiệu tài liệu cho em học thêm được không?

-Tài liệu thì tôi không có. Tôi chỉ dựa vào kinh nghiệm và tin tức trên các website như CNBC, Bloomberg thôi. Có điều mà anh nên biết là thế này. Tôi có một background khác với các anh. Tôi xuất thân là một trader. Tôi học ngay trên trading desk. Thành ra, những gì tôi viết xuống đều là kinh nghiệm mà ra. Cái đó thì tôi nghĩ anh học chắc không được đâu. Nó là kết quả của những năm dài chinh chiến. Tới một mức nào đó thì anh không cần phải đọc sách nữa. Anh chỉ cần đọc tin tức và có thể đoán được phản ứng của thị trường ra sao. Dĩ nhiên có trúng có trật. Nhưng mà điều tôi phân tích là tâm trạng của người ta trong cuộc chơi. Tôi xé lẽ vấn đề cho nhỏ ra để các anh dể hiểu. Chứ thật ra nó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua đầu thật nhanh (các anh phải đến trình độ này thì mới thật sự trade được). Nhưng nếu nói cái kiểu mà tôi suy nghĩ trong đầu thì chắc các anh không hiểu kịp. Tại vì nó là một sợi dây liên kết các thị trường với nhau. Và anh phải nắm sợi dây cho thật kỹ. Nghĩa là anh phải hiểu sự liên hệ giữa các thị trường trên thế giới. Tại sao China trở nên quan trọng như thế? Tại sao kinh tế Japan, China, và vùng Southeast Asia rất quan trọng với kinh tế Mỹ. Mô hình phát triển của vùng đó là gì? Tại sao đồng Yuan và US là dính liền với nhau v...vv để khi có chuyện là anh biết phải hành động ra sao.

Thêm vào đó cái yếu điểm của kinh tế Mỹ hiện giờ là chỗ nào. Ngoài ra, khi coi TV khi thấy các đại bàng của Wall St nói chuyện, anh phải có đủ hiểu biết để biết chú nào đang nói cái gì, đang tung cái gì, đang hứng cái gì? Sự tác động của bond yield vào kinh tế Mỹ ra sao? Đại bàng của thị trường bonds là ai? Ai là Movers & Shakers của thế giới hung hăn của bond trading? Bonds và currency đi rất gần với nhau. Nên khi một thị trường mà chuyển động thì cái kia cũng vậy. Nói chung là anh phải có một cái nhìn rất tống quát trong tất cả các thị trường chính của financial markets để từ đó anh mới đúc kết một cái nhìn tổng quát, và từ đó đưa ra nhận định riêng của chính mình. Một vài cuốn sách không giúp gì được anh đâu. Tại vì đây là quá trình học hỏi từ lúc rời ghế nhà trường mười mấy năm về trước rùi.

-Là 1 swing trader trong thị trường forex thì cần học FA đến mức độ nào? Trong phân tích forex thì tỷ lệ giữa FA và TA là bao nhiêu?



TA là một môn học dùng để kiếm mức ra vô của thị trường. FA là một cái nhìn tống quát của thị trường giống như tôi vừa nói ở trên. Tôi không thể nào nói rỏ là bao nhiêu phần trăm cho mỗi thứ. Tại vì mỗi trường hợp nó khác nhau. Thí dụ như hiện tại đi. Trong lúc này không có xài FA hay TA gì cả, chỉ cần nhìn và đo mức độ giao động mạnh của giá để tìm hiểu tâm tư người trong cuộc chơi. Anh nhìn giá hiện tại anh sẽ thấy tâm tư người ta hiện lên rất rỏ. Đó là lúc killer instinct của một trader nổi lên, và anh trade theo mức phản xạ. Nó tự nhiên như một công việc làm rất quen thuộc hàng ngày, tiếng Anh gọi cái này là second-nature. Nó cũng tự nhiên như hơi thở, hay miếng ăn mỗi ngày. Cái này cần thời gian thì mới làm được.



-Các newbie cần chuẩn bị những gì để bước vào thị trường chứng khoán?

-Có hai điểm mà người mới nên biết về thị trường tài chánh nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Đó là điểm phân biệt giữa traders và investors. Bạn tự hỏi mình là ai. Bạn muốn vào đó với tư cách nào. Thường thì người ta vào đó hy vọng mua bán kiếm lời (trader), nhưng lại không học phương cách trade cho kỹ. Cho nên có những người sau khi nhảy vào thua, rồi vì ngại bán lổ cho nên trở thành investor "bất đắt dĩ." Họ nằm luôn trong cái stock đó vớ hy vọng là nó sẽ lên lại. Đó cũng là một lỗi lầm mà người mới sẽ khó tránh được khi họ mới bước vào đây.

Điều thứ hai mà một người mới nên chuẩn bị là sự siêng năng học hỏi. Trading là một chuỗi ngày dài học hỏi, chứ không phải chỉ đơn giản mua và bán. Hành động mua và bán chỉ là một hành động chót trong chuỗi dây xích dài bắt đầu bởi một phân tich căn bản. Trong thị trường VN thì tôi không biết, nhưng trong thị trường Hoa Kỳ thì người mới vào nên có một khái niệm về phân lời. Khái niệm này không phải là một sự tiên đoán về hướng đi của phân lời hay là sự tác động của the Fed, nhưng là cái hiểu biết về ảnh hưởng của phân lời vào giá cả của stock. Chẳng hạn như phân lời lên thì stock sẽ xuống ra sao, và ngược lại. Sự hiểu biết này sẽ làm cho người ta đở hoang mang khi thấy giá stock rớt vì những ảnh hưởng của các ngoại lực tác động vào TTCK.

Còn về việc học hỏi thì tôi nói thật. Đây là một nghề cạnh tranh rất ác liệt, và là trò chơi của dân trí thức trong xã hội. Cho nên trừ khi bạn có một đam mê và một nhiệt tình thật lớn thì bạn mới nên bước vào. Bằng không thì bạn chỉ nên đầu tư dài hạn. Nghĩa là kiếm chú nào thật tốt, mua xong bỏ đó. VN là một quốc gia đang vươn lên trên phương diện kinh tế. Các công ty lớn của nó sẽ có nhiều cơ hội biến thành các đại công ty sau này. Nếu biết chắc hay có niềm tin vào một công ty nào đó thì nên ôm nó luôn. Đừng vì một số tiền lời nho nhỏ mà trade nó. Phần lớn các bạn đang trade bên TTCKVN vẫn còn học trade, và TTCKVN đang lên khá mạnh. Thành ra, trade nó rất dể make $. Nhưng trong một thị trường như thế, không trade mà chỉ mua thôi thì còn make $ nhiều hơn nữa.
 
Chỉnh sửa cuối:

pho_rex

VIP GROUP

Trader Rule # 1 Plan Your Trades; Trade Your Plan Lập kế hoạch trade

Nghiên cứu cho thật kỹ, rồi hãy trade. Đừng trade xong rồi mới nghiên cứu. Đây là một lỗi rất thông thường cho những người mới học trade. Đối với họ, cái hào hứng khi nhập cuộc chơi quyến rủ nhiều hơn là ngồi ngoài, dò xét, học hỏi về thị trường. Tâm lý của người trong cuộc là ai cũng muốn thắng, hay là ai cũng nghĩ đến mình sẽ thắng. Nhưng ít ai lại chịu suy nghĩ làm sao thắng. Trading trong các markets như currency, futures, options là a zero-sum game. Zero-sum game có nghĩa là phải có trong cuộc chơi này tổng số tiền của thị trường không thay đổi (zero sum). Nhưng sẽ có người thua và người thắng. Tiền của người thua đến từ túi người thắng, chứ không phải đến từ thị trường.

Not target price ---> Ride the trend, dance with the market

Trader Rule Cutloss # 2 ? tự thêm vào!!!

John Murphy dạy rằng không nên châm tiền vào (meeting a margin call), hay nói theo tiếng lóng của traders là THROWING MONEY AFTER BAD STOCKS. Lập luận này có nghĩa là anh đã sai khi anh mua cái stock đó rồi (stock rớt = anh sai). Nếu anh đã sai thì tại sao anh còn muốn sai thêm nữa? Đó là chủ ý của câu nói: Don't throw good money after bad stocks. Ý nghĩa của câu này cũng như cutting loss thôi. Trong trường hợp này anh không bán, nhưng broker bán dùm anh. Nhà bank chỉ cho anh mượn tiền, chứ không có đầu tư hay trade chung với anh. Thành ra, khi stock anh mà rớt thì chuyện đầu tiên nhà bank muốn làm là bảo vệ vốn họ đã bỏ ra. Khi họ thấy vốn anh mỏng dần vì stock rớt là họ kêu anh bỏ thêm vào.

Dần dần các anh thấy rằng cutloss là một hành động tối cần thiết để giữ vốn, và cũng là một việc làm CỰC KỲ khó khăn của một người traders. Người ta không ai thích cut loss cả. Họ nuôi mải hy vọng. Thậm chí khi nói đến cutting loss là người quạu liền. Nhưng đó là bề trái của trading. Không học cutting loss thì ĐỪNG NÊN TRADE. Thói thường của đời là thấy stocks xuống thì mong cho nó lên. Cutting loss thì sợ mất nó. Hôm nay stock rớt xuống còn bao nhiêu đó. Cutting loss ngay bây giờ thì anh biết chắc chắn là anh còn bấy nhiêu đấy. Anh bình an trong nhức buốt của cái thua. Nhưng điều anh còn là mạng sống. Cuộc chơi vẫn còn đối với anh. Không cut loss ngồi đó liếm hoài vết thương. Mỗi khi stock rớt xuống thêm thì vốn càng teo lại hơn nữa. Thói đời thường là lúc cần cut ngay thì người ta chần chừ. Nhưng đến lúc quá mệt mỏi vì áp lực tâm lý hay đến lúc cạn kiệt thì họ mới cut. Lúc đó lại là lúc nên mua, vì đó lại là bottom. Đời nó có cái quái đản thế đó. Và dường như nó chỉ xảy ra với mình mà thôi !!!.Tâm trạng này ai cũng có qua hết. Không ít thì nhiều. Chú nào nói chưa có là xạo, hay chưa nếm đủ hương vị "ngọt ngào" của trading. Bởi thế tại sao người ta đặt một số % nhất định khi bước vào. Trật là ra không hối tiếc. Làm một vài lần sẽ quen thôi. Quen rồi, nhớ lại lúc xưa sao mình ngu dể sợ. Cứ ôm hoài một niềm đau nhức buốt của trading.


Trader Rule # 3 TREND xu hướng

Bài học chính của trading, trong tất cả các market, là đi theo hướng chính của thị trường đã và đang đi. Đó gọi là TREND. Trend nhiều khi có từng đợt, giống như đợt sóng. Up trend và down trend. Mỗi một đợt sóng nhiều khi kéo dài thật lâu, nhưng nhiều khi cũng thật ngắn. Không đợt sóng nào giống nhau. Công việc chính của bạn trong thị trường là dò các cơn sóng, và đi theo nó. Đơn giản vậy thôi. Tuy nói ra thì nghe rất đơn giản, nhưng trên thực tế thì không đơn giản tí nào. Nhưng nếu bạn quyết định chọn nghề này để làm kế sinh nhai thì bạn phải ráng tìm các đợt sóng của thị trường mà đi theo, nếu bạn muốn sống còn với nó. Điều thứ nhì mà bạn nên biết là đừng bao giờ cố gắng tìm kiếm hai điểm quan trọng nhất của thị trường. Đó là hai điểm cao nhất (top) và điểm thấp nhất (bottom). Từ lúc thị trường tài chánh được trao đổi mua bán đến nay cũng ít gì hơn 100 năm. Trong khoảng thời gian dài hơn một thế kỹ này đã có không biết bao nhiêu nhân tài bỏ công, bỏ sức ra đi tìm hai cực này. Tất cả đều là vô vọng. Bạn có thể may mắn kiếm được nó một vài lần trong cuộc đời trading của mình, nhưng đừng nghĩ là bạn có thể sống trong thị trường bằng cách đi kiếm hai điểm này. Cho nên bài học thứ 3 trong cuộc chơi, và cũng là bài học để sống còn, là đừng nên kiếm hai điểm cao nhất và thấp nhất để mua và bán. Top và bottom thường xuất hiện vào những lúc bạn không ngờ nhất, và chỉ SAU KHI xuất hiện rồi thì bạn mới biết đó là Top hay Bottom. Thói thường của người là mua thấp bán cao. Thói thường của thị trường là không mua thấp, và cũng không bán cao. Chỉ cần mua bán khúc chính giữa thôi. Bạn làm được như thế dài hạn thì cũng đủ giàu rồi.


Trader Rule # 4 Kỹ Luật & Tự Kỷ

The most difficult task in speculation is not prediction but self - control. Successful trading is difficult and frustrating. You are the most important element in the equation for success.

Đây là một điều đúng nhất trong tất cả những điều về trading mà bạn sẽ học được. Trading quả thật không có gì khó cả nếu chỉ nhìn trên mặt của vấn đề. Ngược lại, trong chúng ta rất ít ai làm được. Lý do tại vì sao? Câu trả lời này nằm trong mỗi chúng ta. Trading là một phản ảnh của tính tình người trong cuộc chơi. Người mới trade thường chỉ chú ý vào việc mua bán, ít khi tự suy xét về hành động mua bán của mình. Đối với họ việc mua bán sẽ là quyết định của thành công trong trading. Họ chưa biết đặt câu hỏi ngược lại. Họ chưa biết tự xét mình, tự đánh dấu hỏi về sự phân tích của mình. Họ còn suy nghĩ một chiều. Trong quá trình trading, người trader sẽ thu thập rất nhiều kinh nghiệm cá nhân. Mỗi kinh nghiệm đó là kết quả của một bài học đau thương hay vui mừng. Kinh nghiệm này dần dà sẽ được lưu trữ trong đầu mỗi người. Dựa vào đấy, người trader lập ra cho mình một số luật lệ riêng biệt mà chỉ có cá nhân đó mới áp dụng chính xác được. Đem truyền cái này cho người khác họ sẽ ít thành công hơn. Những luật lệ này là những luật lệ mà từng cá nhân một phải theo cho thật sát. Nếu không thì sẽ thua rất mau. Những traders khác như thế nào thì tôi không biết, riêng cá nhân tôi, tôi có một số luật bất di bất dịch. Và tôi theo nó như một cái máy. Cái này giúp tôi sống còn trong bao năm tháng của trading. Nhưng không có gì trong đời là tuyệt đối, nhất là trong trading. Cho nên rất nhiều khi tôi bỏ mất cơ hội để thắng vì cái trade đó không có đưa ra signals mà tôi muốn. Những lúc đó, nó đánh một câu hỏi lớn về phương pháp của mình. Tôi có những hoài nghi về phương thức mình đã chọn. Và cũng rất nhiều lần tôi bỏ nó để trade theo cái gì mình thích, trade theo cảm tình. Nhưng dần dà thời gian qua, tôi thấy chỉ có nó là cách thức đem lại cho tôi nhiều thành công nhất. Đọc giả của website này phần lớn, nếu không nói là hầu hết, đều là những người mới học trade. Nhiều lắm là vài năm. Ít lắm thì vài tháng. Các bạn đang và sẽ đi trên con đường tôi đã đi qua. Đó là con đường có khá nhiều chông gai. Trên con đường này các bạn sẽ gặp những khó khăn y như tôi đã gặp. Nhưng tùy theo khả năng hấp thụ của từng người trên đoạn đường này sẽ làm bạn thành một người trader giỏi, một trader trung bình, hay tệ hơn, là một người thua. Một số lớn các bạn đọc giòng chữ này hôm nay sẽ bỏ cuộc, sẽ chọn một nghề khác. Đường vào Wall St. thênh thang lắm, nhưng rất ít kẻ đi hết đoạn đường.

Trading Rule # 5: Stop Loss Cắt lỗ

Never Cancel a stop loss order after you have placed it!

Đừng bao giờ hủy bỏ một stop loss order sau khi bạn đã đặt xong. Thông thường thì người mới học trade chưa biết xài stop loss. Họ mua xong rồi bỏ đó. Nếu thấy nó xuống thì lo. Nó lên thì mừng. Nếu nó xuống quá nhiều thì đành chịu vậy. Giai đoạn thứ nhì là tập đặt stop loss. Nhưng rồi khi thấy stocks xuống nhiều quá, họ lại dời stop loss xuống một mức thấp hơn hay có thể hủy bỏ stop loss order luôn. Trading thì không ai muốn thua, nhưng muốn thành công trong trading thì phải chấp nhận rằng THUA là một điều phải có. Không thể nào tránh khỏi được. Điều mình có thể làm khi thua là giảm bớt nó đi. Và phương cách giảm bớt cái thua là stop loss. Và nếu hủy bỏ stop loss thì cái thua sẽ tăng. Một điều mà các bạn nên nhớ rằng là thị trường nó không biết bạn đang thua. Với một hướng đi hiện tại mà nó đang đi (lên/xuống) là kết quả của một lối suy nghĩ của tất cả các người trong cuộc chơi gom lại. Chừng nào họ thay đổi lối suy nghĩ về thị trường hiện tại thì hướng đi của giá mới thay đổi theo. Bằng không thì nó vẫn sẽ đi theo hướng đi hiện tại. Bạn hay bất cứ một người nào khác không thể nào tiên đoán được KHI nào người ta sẽ thay đổi cái nhìn về thị trường, và giá sẽ thay đổi theo. Vì thế phương pháp tự bảo vệ mình là một stop loss.

Trading Rule # 6: Buy High & Sell Low Mua giá cao, bán giá thấp

Successful traders are not afraid to buy high and sell low:

Đây là một loại momentum trading rất thịnh hành vào những năm trước 2000 ở Hoa Kỳ. Châm ngôn này đúng nhiều hơn sai, nhưng không hẳn là hoàn toàn chính xác. Theo thiển ý của tôi thì hai chữ “buy high” này là thế nào? Buy khi stock hay currency đang lên cao hơn điểm 52-week high, hay là cao hơn một điểm nào đó? Theo kinh nghiệm riêng của tôi thì khi buy high bạn phải xác định lại cái trend của thị trường. Trend càng dài, càng lâu, và đặc biệt nhứt là càng vững. Vững ở đây có nghĩa là chiều dài của trend (6 tháng, 1 năm chẳng hạn) không có giao động nhiều. Nó đi một đường tương đối thẳng thì đó là một dấu hiệu tốt và nên mua cho dù giá có cao hơn lúc trước. Kinh nghiệm cá nhân của tôi trong định luật này là thị trường oil của gần 2 năm về trước khi oil lên đến 40/barrel. Lúc ấy 40/barrel là một điều không tưởng được vì chỉ 3 năm trước thôi, nó còn giá 15-20. Nhưng nếu nhìn cái chiều dài của cái trend thì thấy nó đi một lằn thẳng. Slop (độ cao) và thời gian dài của trend là tôi yên tâm là nó sẽ đi lên nữa. Đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân. Các bạn phải thực hành mới có được kinh nghiệm cho cá nhân. Xài kinh nghiệm người khác chỉ là phụ thôi. Trading rất là personal. Kiểu trade của một người khó mà áp dụng cho người khác được.

Sell Low: Cái này tương đối khó hơn buy high. Lý do là phần đông những ai lọt vào vị trí này thường là đang lổ. Và bán lổ là một điều ít ai thích làm. Người ta mong sao cho stock hay đồng tiền mình vừa mua lên lại để họ có cơ hội bán ra để tránh lổ, hay để giảm cái lổ đi. Tuy nhiên, thị trường rất ít khi làm vừa lòng người. Lúc mình cần nó “cứu bồ” thì nó thường đi xuống luôn, làm cho mình càng thêm tuyệt vọng. Trong chúng ta ai có tí kinh nghiệm xương máu trong trò chơi này đều có cảm giác tuyệt vọng như trên một vài lần trong đời trading. Ngoài ra, một trong những lý do mà người ta khó bán thấp là để giảm cái thua là vì người ta luôn “nhìn ngược dòng thời gian” để biện minh cho sự kiện giá cả của hôm nay. Họ nghĩ rằng giá của hôm nay so với giá của mấy ngày trước quả là “thấp” lắm rùi. Stocks hay đồng tiền vừa mua sẽ khó xuống thêm nữa. Đâu ai biết được rằng vài ngày sau đó thì giá sẽ thấp hơn giá bây giờ luôn. Kinh nghiệm này trong chúng ta ai cũng có, và rất ít người tránh được lúc ban đầu. Selling low là một nghệ thuật, thường đòi hỏi một kỷ luật nghiêm chỉnh mới có thể thực hành được. Theo thiển ý của tôi thì nó còn khó hơn là BUY HIGH nhiều lắm.






Xác Xuất thắng khi trade huh? 55% thui. Đó là trung bình. Còn xui thì 45% hay ít hơn.

Nói thiệt với anh nhe...sát xuất mỗi lần trade không quan trọng bằng cách "đi tiền." Anh hiểu cách đi tiền là nghĩa gì không? Có nghĩa là đối với tôi lúc mới nhảy vào mà thắng thua không quan trọng vì tôi cut loss rất mau. Nhiều khi nhảy vào, mất 30-50 pips là tôi cho đi liền. Thành ra, nếu tính theo phần trăm tôi nghĩ là thấp lắm. Nhưng ngược lại, nếu vào xong mà thấy lên chừng 20 pips và market đúng như ý mình đoán thì tôi nhảy vào thêm với số lượng 10 lần hơn số lượng lần đầu. Cái đó gọi là đi tiền đó. Trading, các anh phải nhớ, không phải là SỐ LẦN mình thắng, mà là SỐ TIỀN mình thắng. Nhiều khi tôi thua 5,7 lần nhưng chỉ 1 lần thắng là lấy lại được hết
 
Top