Thời gian và Đầu Tư sai

LangTu

<br><font color=blue><b>"Thiên Ngoại Hữu Thiên"</f
——-
Khi bán công ty khởi nghiệp của mình (Viaweb) năm 1998, tôi đột nhiên có rất nhiều tiền. Bấy giờ tôi phải suy nghĩ về một điều mà trước đó không cần phải nghĩ: cách giữ tiền. Tôi biết rằng giàu hóa thành nghèo hay nghèo hóa thành giàu, gì cũng đều có thể xảy ra. Nhưng trong khi tôi dành nhiều năm nghiên cứu con đường đi từ nghèo đến giàu, thì thực tế tôi chẳng biết gì về con đường đi từ giàu đến nghèo cả. Lúc này, để tránh con đường dẫn đến nghèo khó, tôi phải tìm hiểu xem nó ở đâu trước đã.

Vì vậy, tôi bắt đầu chú ý xem người ta đốt hết đống tài sản kếch xù của mình như thế nào. Nếu khi tôi còn bé mà bạn hỏi người giàu sạt nghiệp như thế nào, thì tôi trả lời ngay là do xài phung phí. Sách vở và phim ảnh thường diễn tả con đường đi đến cái nghèo như vậy đó. Cơ bản là vì câu chuyện sạt nghiệp như thế nghe khá hấp dẫn và nhiều màu nhiều sắc. Nhưng thực tế, người ta sạt nghiệp thường không phải là do tiêu xài quá mức, mà là do không biết đầu tư.

Thật ra, không dễ để tiêu pha hết cả núi tài sản mà không để ý. Một người có những sở thích bình thường làm sao có thể đốt hết vài chục ngàn đô mà không thầm suy nghĩ: “Trời, mình đang xài nhiều tiền lắm đây!” Trong khi đó, nếu ta mua bán cổ phiếu, ta có thể mất một triệu đô (thật vậy, muốn mất bao nhiêu cũng được) trong chớp mắt!

Bộ óc con người không xuất hiện cảnh báo khi làm đầu tư, nó chỉ xuất hiện cảnh báo khi ta ăn chơi xa xỉ: Nghĩ tới chuyện tiêu xài, người ta liên tưởng ngay đến sự buông thả. Nếu không phải là người vừa sinh ra đã thừa kế cả sản nghiệp, hay vừa trúng số độc đắc, thì ai ai cũng biết rõ rằng sống buông thả sẽ gặp rắc rối.

Tuy nhiên, sự thật là dân đầu tư thì lại bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo. Ừ thì mình đâu có tiêu tiền; mình chỉ đang đầu tư đàng hoàng đây này, tức là chuyển từ dạng tài sản này sang dạng tài sản khác thôi mà! Đó là lý do vì sao những tay bán hàng khi bán cho người ta những thứ đắt tiền thường hay nói kiểu: sản phẩm không đắt đâu, anh ngại gì, anh đâu có xài hoang, anh mua để “đầu tư” mà!

Vậy thì, hãy tự thiết kế những dấu hiệu cảnh báo cho chính mình. Khá là khó đây, vì trong khi các cảnh báo ngăn ta tiêu xài hoang phí rất hữu hiệu, thậm chí nó đã được khắc sẵn trong ADN mỗi người; thì những cảnh báo ngăn ta không đầu tư ngu ngốc lại không có sẵn. Ta phải học mới biết được những dấu hiệu ấy. Và đôi khi, những dấu hiệu rất khó phát hiện, thậm chí đi ngược lại với bản năng. (Ai đã từng chơi chứng khoán hay forex sẽ hiểu điều này.)

Cách đây vài ngày, tôi phát hiện ra một điều đáng ngạc nhiên: chuyện thời gian cũng tương tự như chuyện tiền bạc. Cách nguy hiểm nhất để mất thời gian không phải là ham chơi, mà là làm việc vớ vẩn. Thoạt trông thì cứ như đang làm việc thật, nhưng thật ra không phải. Khi bỏ thời gian vui chơi, ta biết mình đang sống buông thả. Các cảnh báo xuất hiện khá nhanh chóng. Nếu ta thức dậy vào một buổi sáng, ngồi xuống ghế sofa và xem TV cả ngày, ta cảm thấy như mình sống sai dữ lắm. Chỉ cần nghĩ như vậy thôi cũng khiến mình nhăn nhó mặt mày. Tôi thì chỉ cần ngồi trên ghế sofa xem TV chừng 2 tiếng đồng hồ là đã bắt đầu cảm thấy không thoải mái rồi, đừng nói là suốt cả ngày.

Tuy nhiên, có những ngày mà tối đến, khi tự nhìn lại, tôi chợt phát hiện ra rằng tuy có ngồi làm 8 tiếng đấy, nhưng cả ngày mình chả làm được gì ra hồn hết. Với những ngày làm nhưng không xong việc, tôi cũng thấy mình kém cỏi, nhưng không thấy mình đang buông thả như lúc ngồi xem TV cả ngày. Nếu bỏ cả ngày xem TV, tôi cảm thấy mình tệ quá, hồi chuông cảnh báo lối sống bê tha reo lên ngay. Tuy nhiên, hồi chuông này không reo trong những ngày tôi ngồi làm việc, nhưng không làm đàng hoàng, bởi thoạt trông thì có vẻ như tôi đang tập trung làm việc thật. Ví dụ như ngồi xử lý email chẳng hạn: tôi cũng ngồi ở bàn làm việc đàng hoàng. Tôi có vui vẻ chơi bời gì đâu. Công việc chứ gì nữa! (Nhưng rõ ràng, việc này không mang lại giá trị!)

Với thời gian cũng như tiền bạc, chỉ đơn giản tránh ăn chơi sa đà là không đủ. Chỉ đơn giản xách mông đi làm sẽ hiệu quả vào thời xa xưa, cỡ như thời săn bắt hái lượm hay thời phong kiến chẳng hạn. Bản năng và lối giáo dưỡng truyền thống có thể giúp ta tránh ăn chơi sa đà ngay. Tuy nhiên, thế giới giờ đây phức tạp hơn nhiều: những cái bẫy bắt đầu xuất hiện ở những hành vi mới. Ta lừa bản thân mình rằng đang đầu tư, đang làm việc mà không phát hiện rằng mình đang đi vào vũng lầy. Ta thấy mình đang “nghiên cứu” và đang stress để “làm việc,” ta thấy mình cũng có ý thức như ai.

Và tệ nhất là, “làm việc” giả cũng mệt chứ đâu có vui vẻ gì cho cam!

#PaulGraham

Lời bình: Paul Graham đã nói quá rõ. Ở đây tôi sẽ chỉ tóm tắt lại:

– Đừng tự lừa dối rằng mình đang đầu tư. Tránh xa các khoản đầu tư giả. Phải dựa vào kết quả, vào con số đo lường để đánh giá và ra quyết định có nên tiếp tục hay không.

– Đừng tự lừa dối rằng mình đang làm việc. Tránh xa các công việc giả ít giá trị. Phải dựa vào kết quả, vào con số đo lường để đánh giá và ra quyết định có nên tiếp tục hay không.
Ở đời này nguy hiểm nhất là tự mình lừa dối mình. Các khoản đầu tư giả và các công việc giả lại cung cấp công cụ cho ta làm được điều đó quá dễ dàng.

Bài viết Sưu Tầm
 
Top