Sập bẫy' ngân hàng: ngọt ngào và man trá!

shimano

Active Member
Sập bẫy' ngân hàng: ngọt ngào và man trá!


Áp lực tăng doanh số, đảm bảo chỉ tiêu, cạnh tranh với các nhà băng khác... đã khiến không ít ngân hàng và nhân viên liên tục tung chiêu "dụ" khách xài các dịch vụ của mình.
Những thông tin lập lờ, "tốt khoe xấu che".. đã khiến nhiều khách hàng mắc bẫy mà không hề hay biết.

Chị Hoa, nhân viên một công ty về sơn và hóa chất tại quận Cầu Giấy cho hay, mới đây chị nhận được email từ một nhân viên của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với tiêu đề rất “hot”: Sacombank tung chương trình khuyến mãi lớn chưa từng có từ trước tới nay. Theo đó, từ 13/6 đến 10/9, khách hàng gửi tiền tại ngân hàng này với mức từ 5 triệu đồng trở lên sẽ được tặng ngay một phần quà, và có cơ hội trúng thưởng tiền tỷ trong chương trình quay số cuối mỗi đợt.

Gửi tiền khuyến mãi... lãi suất 0%

Thấy hấp dẫn, lại đang có khoản tiền gửi đến kỳ đáo hạn tại một ngân hàng khác, chị Hoa liền đi rút mang về Sacombank gửi. Lúc đến ngân hàng chị mới tá hỏa, với số tiền chị gửi là 25 triệu đồng, chị muốn lấy nhiều mã số dự thưởng thì phải chia làm 2 sổ, một sổ 20 triệu đồng lãi suất chỉ 6% một năm, và sổ còn lại 5 triệu đồng thì lãi suất chỉ… 0%. Trong khi mức lãi suất huy động phổ biến trên thị trường hiện ở mức 13 – 14% một năm.

“Đúng là quà thì được tặng ngay thật đấy nhưng chỉ có cái mở bia, móc chìa khóa, áo mưa, nhưng mức lãi suất thì thấp không tưởng tượng nổi. Tôi định bảo nhân viên thôi không gửi ở đây nữa, nhưng lại ngại, vì số tiền mình có cũng chẳng đáng là bao. Với lại nhân viên liên tục thuyết phục là cơ hội trúng thưởng tiền tỷ lần này rất cao, vì quay số vào nhiều đợt, mỗi đợt 4 - 5 giải. Thế nên tôi đành chậc lưỡi, thôi gửi tạm kỳ hạn 1 tháng, hết hạn thì rút ra cũng được”, chị Hoa nói.

Hiện, rất nhiều ngân hàng tung ra các chương trình khuyến mãi rầm rộ, hấp dẫn nhằm lôi kéo khách gửi tiền. Thế nhưng “không có bữa trưa nào là miễn phí”, nhiều ngân hàng hay nhân viên, để “dụ” khách, chỉ nêu ra những cái được của các chương trình này, và tránh nói đến những điều kiện kèm theo, vì vậy khách hàng cần cẩn thận tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan, để khỏi bị “hớ” như trường hợp của chị Hoa nói trên.

Thẻ tín dụng: chưa xài... đã nợ

Bên cạnh việc “chèo kéo” khách gửi tiền, nhiều ngân hàng cũng liên tục “à ơi” những khách hàng tiềm năng nhằm thuyết phục họ mở thẻ tín dụng.

Cả hai tháng nay, thỉnh thoảng chị Bích, trưởng phòng một công ty về truyền thông tại Hà Nội lại nhận được điện thoại từ một số ngân hàng mời chào mở thẻ tín dụng. Dù đã nhã nhặn từ chối nhưng một vài ngày sau lại thấy một số ngân hàng trên gọi lại. Có ngày chị phải nghe tới 3 – 4 cuộc điện thoại từ các ngân hàng giới thiệu về thẻ tín dụng và các ưu đãi cũng như chương trình khuyến mãi dành cho chủ thẻ.

Chị Hương, một khách hàng mới xài thẻ tín dụng của Techcombank cho biết, vì nghe nhân viên ngân hàng chào mời nhiệt tình quá, lại thấy thẻ Visa có nhiều hấp dẫn, chị đã đồng ý mở thẻ. Thế nhưng, mới hơn một tháng từ ngày nhận thẻ, hôm thứ hai đầu tuần (4/7), chị Hương tá hỏa khi nhận được điện thoại của nhân viên ngân hàng thông báo nợ gần 700.000 đồng. “Từ lúc lấy thẻ, tôi còn chưa bóc phong bao ngan hàng giao, nói gì đến rút tiền hay thanh toán, vậy mà không hiểu tại sao tài khoản trong thẻ của tôi lại âm tiền và bị nhân viên ngân hàng dọa không thanh toán là bị tính lãi... Nếu ngân hàng trừ phí thường niên thì cũng chỉ mất 300.000 đồng (thẻ Visa hạng chuẩn của Techcombank phí thường niên là 300.000 đồng, còn thẻ hạng vàng phí thường niên là 500.000 đồng). Biết thế, tôi không mở thẻ nữa, vì lợi ích chưa thấy đâu, tiền đã mất”, chị Hương nói.

Trường hợp của chị Hương vẫn còn may vì sớm nhận ra nhiều mặt bất cập của dịch vụ thẻ tín dụng tại Việt Nam. Có nhiều người vô tư tiêu xài qua thẻ, đến lúc phát hiện ra số nợ của mình và các khoản phí phải trả thì quá muộn. Anh Dũng, nhân viên một công ty về luật của nước ngoài tại quận Đống Đa là một ví dụ. Anh cũng dùng thẻ tín dụng của Techcombank. Lần đầu rút tiền qua thẻ, anh Dũng rút 10 triệu đồng thì đã bị trừ gần 500.000 đồng, gồm 400.000 đồng phí rút tiền (4%) và 80.000 đồng phí in bản sao kê. Có lần có việc, anh Dũng tiêu “thâm” vào 50 triệu đồng của ngân hàng qua thẻ, đến lúc trả tiền, lãi suất bị tính lên tới 24% một năm. Anh trả chậm 2 ngày so với thời hạn thanh toán là 45 ngày và bị tính thêm 4% của 50 triệu đồng tiền nợ, tương đương 2 triệu đồng. Khi anh Dũng thắc mắc và muốn kiểm tra lại các giao dịch qua thẻ, thì nhân viên ngân hàng nói mỗi một lần tra soát mất phí 80.000 đồng.

“Sau khi xài thẻ một thời gian, tôi quyết định ngừng. Thực ra với những người giàu có thì việc dùng thẻ tín dụng sẽ rất tiện lợi, nhưng với những người thu nhập chỉ trung bình khá như tôi thì tôi nghĩ không nên dùng thẻ Visa làm gì cho tốn kém. Nếu tôi biết trước mình chưa phải là đối tượng phù hợp để sử dụng thẻ tín dụng thì nhân viên ngân hàng có “dụ” mấy tôi cũng không xài”, anh Dũng nói.

Thực tế, việc các nhân viên ngân hàng liên tục gọi điện, gửi email cho các khách hàng nhằm “chiêu dụ” họ mở thẻ tín dụng cũng là điều dễ hiểu, bởi áp lực tăng doanh số với các nhân viên kinh doanh thẻ là rất lớn. Một nhân viên Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cho biết, chỉ tiêu số lượng thẻ tín dụng được áp cho từng chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng trong từng năm một. Và các chi nhánh này giao cho bộ phận thẻ chịu trách nhiệm. Chẳng hạn phòng giao dịch Vietcombank Thành Công (Hà Nội) một năm phải đạt được chỉ tiêu mở mới 400 thẻ tín dụng. Số lượng này chia đều cho số nhân viên kinh doanh thẻ ở đây thì mỗi nhân viên một năm phải “chạy” đủ hơn 100 thẻ. Thông thường cuối nửa năm (30/6) và cuối năm (31/12), các chi nhánh, phòng giao dịch phải báo cáo lên hội sở, và các ngân hàng từ đó tổng hợp số liệu báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước.

Anh Tùng, có vợ là nhân viên kinh doanh thẻ của Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) cho hay, những khi không đạt chỉ tiêu số lượng thẻ trong tháng, vợ anh lại lấy tiền dành dụm của hai vợ chồng, hoặc vay tiền người thân, bạn bè để mở những thẻ tín dụng mới đứng tên họ, nhằm đảm bảo chỉ tiêu. Có thẻ khi mới mở, tài khoản phải có ít nhất 20 triệu đồng. Sau đó, khoảng một tháng sau thì chị rút số tiền này ra và trả lại.

Đây là một phần lý do vì sao lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết số lượng thẻ tín dụng vẫn tăng trưởng đều, song việc thanh toán qua thẻ vẫn chưa được cải thiện.

Vay tiêu dùng: Không tính lãi giảm dần

Bên cạnh việc dụ khách hàng làm thẻ tín dụng, ngân hàng còn “dụ” khách vay tiền bằng nhiều cách. Chị Hải, ngụ ở ngõ 101 Trần Duy Hưng cho biết, một lần gia đình chị có ý định vay tiền ngân hàng để mua ô tô, chị liền vào một diễn đàn về tài chính để hỏi xem nên vay ngân hàng nào để có lãi suất “mềm” nhất và thủ tục nhanh gọn. Ngay chiều hôm đó, nhân viên tín dụng một ngân hàng thương mại đã gọi điện cho chị để chào mời, vì thông tin cá nhân của chị có để lại số điện thoại. Thấy lãi suất vay hấp dẫn, chỉ 19% một năm thời điểm tháng 2, trong khi lãi suất vay tiêu dùng cá nhân lúc đó thông thường ở mức 20 - 22% một năm, chị Hải đồng ý làm thủ tục vay tại ngân hàng này với số tiền 150 triệu đồng, thời hạn một năm.

Nhân viên ngân hàng tính số tiền phải trả hàng tháng của chị Hải (gồm cả gốc và lãi) theo công thức: (150 + 150*19%)/12 = (150 + 28,5)/12 = 14,875 triệu đồng. Chị Hải nhìn thấy cách tính khá hợp lý, và cứ đều đặn mỗi tháng chị trả cho ngân hàng đúng số tiền trên. Nhưng một hôm nói chuyện với một người bạn, chị mới té ngửa rằng mình trả lãi và gốc như vậy là thiệt lớn. Cách tính trên chỉ đúng khi chị trả tiền một lần vào cuối kỳ hạn, còn tháng nào cũng trả thì số tiền chị bỏ ra hàng tháng thấp hơn nhiều.

Anh Nam, nhân viên tín dụng Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP Bank) cho hay, trường hợp này, nếu khách trả đều hàng tháng, thì tháng đầu tiên tính như công thức trên. Tháng thứ 2, tiền gốc và lãi suất tính trên số tiền nợ còn lại (= 150 – 14,875), chứ không phải tính trên 150 triệu đồng tiền vay ban đầu. Tương tự, các tháng tiếp theo cũng vậy, thế nên càng về sau số tiền trả càng giảm dần, chênh lệch có khi cả triệu đồng. Vì ham lãi suất rẻ mà chị Hải không để ý đến một yếu tố quan trọng là cách tính lãi suất của từng ngân hàng, cuối cùng tổng số tiền phải trả còn cao hơn cả vay với lãi suất 22%. Theo anh Nam, theo thông lệ quốc tế, lãi suất ngân hàng phải được tính dựa trên số dư giảm dần. Đây là cách tính truyền thống có mặt trên mọi khế ước vay chuẩn. Nói như vậy thì có khác nào chị Hải bị ngân hàng lừa.


 
Top