Hạn hán miền Trung và cơn mưa của Vua Thái Lan

LangTu

<br><font color=blue><b>"Thiên Ngoại Hữu Thiên"</f
Hạn hán miền Trung và cơn mưa của Vua Thái Lan
Đầu tháng 3 năm 2005, tôi đang học tại Học viện Công nghệ Châu Á (AIT) có trụ sở tại Thái Lan. Thời điểm đó đất nước Thái đang khô hạn trầm trọng. Việt Nam chúng ta cũng vậy, đặc biệt là miền Trung, đồng bào ta đang "chết khát".
Qua yahoo chat, thằng bạn thân của tôi cho biết nhà nó vừa chết 30 con bò vì không có nước ngọt cho chúng uống. Đối với cậu ấy, ngoài việc tiếc vì mất của nó còn đau xót vì cái sự bất lực trong việc tìm nước ngọt. Trong lúc tôi đang chia sẻ nỗi buồn với thằng bạn, thì điện thoại trong phòng reng lên. Một người bạn Thái Lan hào hứng báo rằng, 9:15 phút sáng ngày mai mày sẽ được hưởng “King rain” của tụi tao. Cô bạn này cũng giải thích, King rain là cơn mưa nhân tạo do đức vua Thái Lan tài trợ từ nguồn kinh phí thu được từ việc bán vé cho khách tham quan cung điện nhà vua. King rain xảy ra tại một khu vực lân cận campus của AIT, nơi đang cần nước ngọt cho nông nghiệp và AIT cũng hưởng chút ít.

Hầu như đêm đó tôi không ngủ được, tôi không rõ mình đang chờ đợi cái gì. Khoảng 8:30 sáng ngày hôm sau, tôi cảm bầu trời tại AIT thay đổi, trời không nắng dữ dội như mọi ngày nữa. 9:11 phút thì có những hạt mưa li ti. 9:20 thì mưa bắt đầu lớn, cơn mưa kéo dài được gần 45 phút. Trong cơn mưa “King rain” tôi đạp xe đạp lòng vòng campus của AIT và tôi đã khóc. Tôi khóc cho gia đình thằng bạn tôi, cho người miền trung quê thằng bạn, và tôi khóc cho chính tôi.

Tôi không biết phải làm gì, tôi không có chuyên môn về khí tượng thủy văn. Tôi bất lực trong việc giúp gia đình thằng bạn tôi, cho đồng bào miền Trung. Tôi bèn viết thư cho cánh nhà báo. Tôi viết email cho Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo về việc đề nghị tạo khuyến kích và tạo điều kiện cho các sinh viên ngành khí tượng thủy văn của Việt Nam. Tôi kiến nghị miễn học phí, cấp học bổng hàng tháng cho những sinh viên theo học ngành này.... Tại thời điểm này chỉ có những học sinh rất dở (đánh giá qua điểm tuyển sinh đầu vào) mới học những cái ngành "vớ vẩn" như thế.

Tôi cũng đã viết email cho Giám đốc quỹ học bổng VEF (Vietnam Education Foundation) xin ông ta hãy giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực ngành khí tượng thủy văn vì đây là vấn đề cần quan tâm nhất trong công cuộc xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam, một đất nước với 80% dân số là nông dân. Từ Thái Lan tôi gọi điện thoại về Trung Tâm Khí Tượng thủy văn quốc gia Việt Nam để tâm sự. Những lời nói bức xúc trong điện thoại của tôi đã cảm thông được một chị làm việc ở đấy. Chị ấy bảo với tôi rằng năm 2010 Việt Nam sẽ làm được mưa nhân tạo. Chị ấy còn khuyên tôi rằng em cứ lo học chuyên môn đi, chuyện này Chính phủ sẽ lo.
Tôi cũng không tin lắm, bèn search trên mạng thì phát hiện từ năm 2004 Viện trưởng Viện Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã tuyên bố chúng ta sẽ có mưa nhân tạo từ năm 2010. Năm 2008, tôi có dịp qua đại học Princeton bang New Jersey tại Mỹ, và làm quen với một anh chàng tiến sĩ người Thái đang làm postdoc về biến đổi khí hậu tại đây. Tôi có hỏi về mưa nhân tạo và anh chàng này đã giải thích một lô về kiến thức chuyên ngành những điều tôi không thể hiểu được. Nhưng tôi hiểu một cách rõ ràng là Việt Nam về điều kiện tự nhiên là rất thuận lợi cho việc làm mưa nhân tạo, thuận lợi hơn hẳn so với đất nước Thái Lan. Chính vì thế tôi càng củng cố thêm niềm tin là Việt Nam chúng ta sẽ làm được mưa nhân tạo năm 2010 như những gì chính phủ đã tuyên bố.

Năm nay, năm 2010, thằng bạn miền Trung của tôi giờ đã định cư tại Mỹ. Nên mặc dù đã đón nhận tràn ngập thông tin về miền Trung đang khát, tôi thật sự không biết rõ thực hư như thế nào. Nhưng có điều tôi nghe tận tay, biết rất rõ là nhiều gia đình ở miền quê của tôi (tỉnh Trà Vinh) đang khóc vì lúa của họ đã chết khô.

Kỷ niệm tuổi thơ bỗng ùa về với tôi. Năm tôi bảy tuổi, quê của tôi hạn hán rất dữ dội. Tôi hiểu rằng nếu không có mưa, năm đó nhà tôi sẽ đói và thiếu nợ (nợ thuế nông nghiệp cho nhà nước). Ngoại tôi và một số người trong ấp lập đàn cầu mưa. Trong buổi lễ ấy, tôi đã khấn “nếu trời phật tạo mưa cho nhà con, con nguyện giảm tuổi thọ đi 10 tuổi”. Với suy nghĩ của một đứa trẻ lên bảy, tôi cảm thấy rằng sự trả giá nó nhiều quá và đã khấn lại chỉ xin giảm thọ một năm kèm theo lời hứa luôn ăn ở hiền lành.
Giờ đây khi nghe những lời khẩn cầu với ông trời từ những cô bác nông dân quê nhà, tôi tự hỏi sẽ còn bao nhiêu đứa trẻ quê tôi có suy nghĩ như tôi ngày xưa. Trong chúng sẽ có bao nhiêu đứa sẽ bỏ học khi nhà chúng mất mùa. Sẽ bao nhiêu cô gái bỏ miền quê nghèo ấy để đi làm dâu xứ người. Mặc dù tại Việt Nam không có “King rain” nhưng nước mắt tôi vẫn rơi.

Tôi vẫn tìm thấy trên trang web của Bộ Tài nguyên - Môi trường thông tin về năm 2010 Việt Nam sẽ có mưa nhân tạo của năm nào. Tôi đọc kỹ lời trả lời phỏng vấn báo chí của vị Viện Trưởng Viện Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên - Môi trường đáng kính của chúng ta năm 2004. Tôi bỗng giật tỉnh cả người vì nội dung của nó. Xin tóm tắt những điểm chính như sau “nếu tiến hành tốt thì hiệu quả kinh tế của việc làm mưa nhân tạo có thể gấp 10 tới 20 lần số kinh phí bỏ ra. Nhưng kinh phí để làm đề án nghiên cứu tạo mưa nhân tạo vào khoảng 50-60 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn, vì vậy chúng tôi phải thận trọng từng bước, bảo đảm chắc chắn thành công”.

Buồn và thất vọng, tôi viết email cho một vài người bạn mong nhận được sự cảm thông. Một vài ngày sau, một anh bạn rất thân của tôi đã gởi một tin nhắn ngắn gọn “Việt Nam đâu có vua, nên làm gì có ai tạo mưa cho dân, còn khuya”. Cái tin nhắn này như một mũi tên đâm thẳng vào tim tôi. Khi tôi choáng váng thì bà xã tôi thông báo, trên VTV1 chính phủ thông báo sẽ hỗ trợ cho nông dân vùng bị hạn. Một lần nữa tôi đặt trọn niềm tin vào chính phủ. Thật ra tôi chẳng biết tin ai có thể giúp đồng bào tôi trong việc này. Không nhẽ tôi lại đặt niềm tin vào nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej.
Tôi sẽ tiếp tục chờ đợi cái ngày mình sẽ được khóc rất to, khóc hạnh phúc dưới cơn mưa nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam, một cơn mưa vì dân.


Nguyễn Huỳnh Minh Tâm

nguồn Vnexpress
 
Top